Công ty Cổ phần Ngân Sơn: Đầu tư toàn diện
Ngày đăng: 27/10/2018
Theo chủ trương của Chính phủ từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, Công ty đã kết hợp với Tổng cục dạy nghề, Trung tâm đào tạo Vinataba tổ chức ba lớp dạy nghề trồng thuốc lá cho 90 học viên tại các vùng chuyên canh thuốc lá với kinh phí trên 160 triệu đồng.
Năm 2009, nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty Cổ phần Ngân Sơn không tránh khỏi những khó khăn, trong đó có áp lực về vốn đầu tư cho nông dân, thiên tai bất thường, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển, cũng như chi phí vật tư, dịch vụ tăng cao… Nhưng kết quả đạt được đã vượt trên cả mong đợi của địa phương và nông dân.
Tổng sản lượng khu vực phía Bắc đạt gần 12.000 tấn, những năm trước năng suất bình quân chung chỉ đạt 1,5 – 1,6 tấn/ha, thì năm 2009 năng suất bình quân chung đã đạt 1,7 – 1,8 tấn/ha.
Với mục tiêu “Sản xuất nguyên liệu thuốc lá phát triển bền vững và ổn định đến năm 2010-2015” Công ty Cổ phần Ngân Sơn đặt ra hướng phát triển bền vững, trong đó lợi ích giữa nông dân – Công ty – địa phương được đặt lên hàng đầu nhằm hài hòa mối quan hệ lợi ích kinh tế, xã hội theo định hướng của Chính phủ và Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nằm trong chiến lược phát triển ngành thuốc lá Việt Nam từ 2010 đến 2015, 2020 và tầm nhìn 2030.
Chính sách đầu tư của Công ty là tiếp tục thực hiện đầu tư toàn diện, để nông dân sản xuất ra sản phẩm có năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định diện tích trồng cũng như sản lượng hàng năm, đồng thời tạo ra thị trường tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Tổng đầu tư vụ xuân năm 2009 là 21 tỷ đồng (chưa tính vụ thu 2009) bao gồm: giống, phân bón, túi bầu, thuốc BVTV, thuốc diệt chồi, lò sấy và than sấy.
Trong sản xuất nguyên liệu, Công ty luôn chú trọng phối hợp nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật canh tác đồng ruộng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phù hợp với quy mô, loại hình sản xuất ở từng địa phương; các giống thuốc lá mới có năng suất cao, chất lượng tốt cùng với kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch… được phổ biến rộng rãi tại các vùng trồng do Công ty quản lý. Các đề tài nghiên cứu, thực nghiệm đều có ứng dụng và đạt được những kết quả khả quan.
Ngoài ra Công ty thường xuyên ứng dụng và cập nhật những tiến bộ khoa học để chuyển giao kịp thời tới nông dân. Trong nhiều năm qua, công tác chuyển giao kỹ thuật đã tác động phần nào đến tập quán canh tác cũ. Vào vụ trồng, các cán bộ kỹ thuật của Công ty theo dõi và hướng dẫn nông dân thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác như: gieo giống, chăm sóc vườn ươm, đưa cây giống vào ruộng trồng, chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, kỹ thuật sấy, phân cấp và bảo quản nguyên liệu sau sơ chế.
Năm 2009, Công ty đã phối hợp với Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá triển khai thử nghiệm, khảo nghiệm nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật như: chọn tạo, khảo nghiệm các loại giống mới, điều tra diễn biến sâu bệnh hại để đề ra phương án phòng trừ, theo dõi diễn biến chất lượng nguyên liệu… Với Công ty Liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba là các mô hình thử nghiệm Leaf – frog, thử nghiệm giống, thử nghiệm phân bón, lớp IPM/FFS, chương trình trách nhiệm xã hội… Kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tại các vùng trồng thuốc lá.
Theo chủ trương của Chính phủ từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, Công ty đã kết hợp với Tổng cục dạy nghề, Trung tâm đào tạo Vinataba tổ chức ba lớp dạy nghề trồng thuốc lá cho 90 học viên tại các vùng chuyên canh thuốc lá với kinh phí trên 160 triệu đồng.
Ngoài ra, năm 2009 Công ty đã phối hợp với Công ty Liên doanh BAT cấp không thu hồi 500.000 cây keo lai giống cho chương trình trồng rừng tại 4 xã thuộc huyện Hữu Lũng với tổng giá trị 183 triệu đồng, tương đương 300 ha rừng và 400 cây bóng mát trên đường từ ngã tư Mẹt đến cầu Na Hoa.
Các hoạt động gắn kết Công ty với địa phương trong năm 2009 cũng được hết sức chú trọng nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tạo sự tin tưởng, hợp tác giữa chính quyền địa phương, nông dân. Công ty đã tổ chức cho đoàn lãnh đạo địa phương thăm vùng trồng thuốc lá phía Nam vào tháng 3/2009, tham quan học hỏi vùng trồng thuốc lá tại Sở Hùng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tháng 8/2009.
Lãnh đạo TCT thăm vùng nguyên liệu - Ảnh ĐT
Đặc biệt, Công ty đã tổ chức “Ngày hội tri ân nông dân” cho hơn 160 nông dân từ các vùng trồng thuốc lá: với các đại diện tiêu biểu thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, hái sấy thuốc lá; tiêu biểu trong nghĩa vụ bán sản phẩm cho Công ty. Với hoạt động tuyên dương, trao quà cho các đại diện tiêu biểu, tham quan Công ty và Xí nghiệp Chế biến, tham quan Công ty Thuốc lá Thăng Long và một số danh lam thắng cảnh. Ngày hội tri ân nông dân thực sự đã góp phần tạo điều kiện để người nông dân hiểu hơn về Công ty.
Với 15 năm xây dựng, đầu tư tại các tỉnh phía Bắc, đến năm 2009 Công ty đã đầu tư hơn 7.000 ha trồng thuốc lá vàng sấy với sản lượng ước 12.000 tấn (bao gồm cả vụ thu 2009 đang triển khai). Đây là những con số có ý nghĩa trong sự phát triển của Công ty Ngân Sơn cũng như của nông dân, chính quyền địa phương.
Để những năm tiếp theo vùng trồng nguyên liệu thuốc lá phát triển bền vững và mang tính ổn định, Công ty xây dựng kế hoạch phát triển trồng cây thuốc lá năm 2010 trên địa bàn 15 huyện thuộc 4 tỉnh phía Bắc với tổng diện tích 9000 ha. Trong đó diện tích Công ty đầu tư trực tiếp tại tỉnh Lạng Sơn là 3.600 ha (chiếm 58%); tỉnh Bắc Kạn 1.000 ha (chiếm 83%); tỉnh Bắc Giang 500 ha (chiếm 50%); tỉnh Thái Nguyên 360 ha (chiếm 60%); tổng diện tích đầu tư trực tiếp đạt 5.460 ha (chiếm 60%) tổng diện tích toàn khu vực./.
Thăng Long – Kim Chi.